Bùi Thị Tuyền, cô gái gen Z đến từ Việt Nam: Theo đuổi giấc mơ Trung Hoa, trở thành sứ giả giao lưu văn hóa

Theo Chinanews, Côn Minh:“Đối với nhiều người, quãng đường đi từ quê nhà tại Việt Nam đến trường Đại học Vân Nam, Trung Quốc chỉ mất hơn 100 nhân dân tệ (khoảng 350 nghìn VNĐ) và hơn 4 tiếng đồng hồ, nhưng tôi lại mất 6 năm để hoàn thành.” Hiện nay, Bùi Thị Tuyền, cô gái gen Z đến từ Việt Nam đang theo học cao học tại khoa báo chí truyền thông, trường Đại học Vân Nam, Trung Quốc và đang tiếp tục hành trình theo đuổi ước mơ của mình.

Bùi Thị Tuyền ở trường Đại học Vân Nam. Ảnh: Bùi Thị Tuyền

Bùi Thị Tuyền ở trường Đại học Vân Nam. Ảnh: Bùi Thị Tuyền

Bùi Thị Tuyền sinh ra ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, Việt Nam, một ngôi làng chỉ cách biên giới Trung Quốc khoảng 20 km. Tại đây, Tuyền không chỉ được chứng kiến những câu chuyện giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước Trung-Việt, mà còn trực tiếp tham gia và trở thành một sứ giả giao lưu văn hóa giữa hai nước.

Nhớ lại những ngày thời thơ ấu, Tuyền đã bắt đầu ươm mầm giấc mơ đến Trung Quốc qua từng bộ phim truyền hình mà cô đã xem trên ti-vi, cô nói: “Lớn lên ở vùng nông thôn Việt Nam, khi còn bé, tôi chỉ có một chiếc radio nhỏ để tìm hiểu về thế giới bên ngoài. Sau khi có ti-vi, thỉnh thoảng ti-vi trong nhà bắt được các kênh truyền hình của Trung Quốc, mặc dù lúc đó tôi chưa biết gì về tiếng Trung, nhưng đó là lần đầu tôi được tiếp xúc và biết đến văn hóa Trung Quốc qua các bộ phim.”

Ở trường học, Tuyền bắt đầu tập đọc sách tiếng Trung. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Tuyền bị trượt nguyện vọng chuyên ngành tiếng Trung của trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Đến năm 2015, trong thâm tâm Tuyền vẫn quyết tâm muốn học tiếng Trung, có lần Tuyền tình cờ đọc được thông tin về trường trung cấp nghề Hà Khẩu, Vân Nam qua mạng, lúc đó Tuyền nảy sinh một ý nghĩ “mình phải đi Trung Quốc du học”.

Sau khi đến huyện Hà Khẩu, lần đầu tiên Tuyền được tiếp xúc với các thầy cô và bạn bè nơi đây, đó cũng là lần đầu tiên Tuyền được tiếp xúc trực tiếp với văn hóa Trung Quốc. Tuyền rất coi trọng cơ hội học tập quý giá này, và chỉ sau một năm Tuyền đã thi đỗ và đạt chứng chỉ HSK cấp 5 (kỳ thi năng lực Hán Ngữ), sau đó tiếp tục học lên đại học tại Học viện Hồng Hà.

“Trên con đường học tiếng Trung, mọi thứ không suôn sẻ như tưởng tượng, rất nhiều thứ phải làm hai lần mới thành.” Nhưng Bùi Thị Tuyền không nản lòng, cô ấy tin rằng quyết chí ắt làm nên. Mùa thu năm 2022, sau khi nộp đơn xin học lần thứ 2, Tuyền đã trúng tuyển và theo học chương trình thạc sỹ tại trường Đại học Vân Nam đúng như ý nguyện.

Trong một bức thư đặc biệt gửi cho chính mình hồi nhỏ, Bùi Thị Tuyền viết: “Giờ đây chị đã giúp em thực hiện ước mơ, đến Trung Quốc và hoàn thành giấc mơ học đại học tại đây.” Khi đã có sự hiểu biết sâu sắc hơn về Trung Quốc, Bùi Thị Tuyền hi vọng có thể dùng sự trải nghiệm của mình để truyền cảm hứng cho các em nhỏ sống ở các vùng nông thôn Việt Nam muốn đến Trung Quốc học tập, đồng thời Tuyền cũng muốn tiếp tục lan tỏa và quảng bá văn hóa hai nước Trung-Việt.

Bùi Thị Tuyền thưởng thức hoa phượng tím tại Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc Ảnh:Bùi Thị Tuyền

Bùi Thị Tuyền thưởng thức hoa phượng tím tại Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc Ảnh:Bùi Thị Tuyền

Từ năm 2020, Bùi Thị Tuyền đã đăng tải các video bằng tiếng Trung và tiếng Việt trên các nền tảng video ngắn ở trong và ngoài nước, đến nay Tuyền đã thu hút được 230.000 người theo dõi. Qua ống kính của cô, cư dân mạng Trung Quốc đã hiểu hơn về phong tục tập quán, tình hình phát triển xã hội, văn hóa truyền thống của Việt Nam. Đồng thời, cư dân mạng Việt Nam cũng được chứng kiến hành trình học tiếng Trung của Tuyền và nhận thấy những cơ hội phát triển tại Trung Quốc.

Hiện nay, sự hợp tác và giao lưu giữa Trung Quốc và Việt Nam ngày càng chặt chẽ, hoạt động thương mại cũng phát triển mạnh mẽ. Tại cửa khẩu Hà Khẩu, lượng du khách và doanh nhân đi lại giữa hai nước không ngừng gia tăng, số lượng du khách Việt Nam đến Vân Nam liên tục lập kỷ lục mới; hoa tươi, hạt cà phê Vân Nam Trung Quốc và các đặc sản như sầu riêng, thanh long Việt Nam đang được bán chạy ở cả hai nước; các hoạt động như Chương trình liên hoan Tết Nguyên Đán, chương trình giao lưu văn hóa tết Trung thu “hoa nở trăng rằm” và các giải thi đấu giao hữu thể thao dân gian Trung - Việt đã giúp người dân hai nước ngày càng gần gũi hơn.

“Văn hóa Trung Quốc có sức ảnh hưởng lớn tại Việt Nam, hiện nay có rất nhiều người mời tôi làm phiên dịch song ngữ, tôi cũng đã trở thành giáo viên gieo mầm tiếng Trung của hơn 20 người”. Bùi Thị Tuyền đang ở nhà chuẩn bị luận văn và sắp quay trở lại trường, cô nói: “trong tương lai, tôi sẽ duy trì mối duyên giữa bản thân với Trung Quốc, coi giao lưu văn hóa giữa hai nước là sự nghiệp của mình, cố gắng làm tốt và nhiều hơn trong khả năng của bản thân.”

Ảnh