

- Xem thêm
Đoàn tàu liên vận Trung - Việt: Hành trình mới trên “cao tốc” thương mại quốc tế
Theo Nhân Dân nhật báo điện tử phiên bản quốc tế - tháng 10, vào lúc rạng sáng, ga Đông Anh, Hà Nội, Việt Nam rực rỡ ánh đèn, những chiếc cần cẩu đang xếp từng container lên đoàn tàu liên vận Trung - Việt. Đoàn tàu chở hơn 500 tấn gỗ nhanh chóng hú còi và khởi hành về phía Quảng Tây, Trung Quốc
Đây cũng là nguyên liệu sản xuất giấy mà Công ty TNHH Giấy Lee & Man Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc đã thu mua từ khu vực miền Nam Việt Nam. Ông Trương Tồn Vĩ, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần vận hành cảng đường bộ quốc tế Việt Nam cho biết: “trước đây, các đoàn tàu thường phải ghép từ nhiều toa hàng lẻ, nhưng giờ đây, một chuyến tàu có thể chở nhiều container cùng loại hàng hóa, chúng tôi còn mở thêm nhiều chuyến tàu chở hàng chuyên dụng như hàng nông sản và những sản phẩm khác.
Nhiều tháng vừa qua, ông Vĩ đã nhiều lần đi đến vùng sản xuất dừa chính ở miền Nam Việt Nam để chuẩn bị cho chuyến tàu chuyên chở dừa tươi sắp được đưa vào hoạt động. Vào tháng 8 năm nay, Trung Quốc và Việt Nam đã ký kết Nghị định thư liên quan đến việc xuất khẩu dừa tươi Việt Nam sang Trung Quốc. Điều này giúp cho quá trình xuất khẩu dừa tươi Việt Nam sang Trung Quốc sớm được triển khai. Ông Vĩ cho biết, “với tư cách là đơn vị vận hành các chuyến tàu liên vận Trung - Việt, chúng tôi cũng đang tiến hành các bước chuẩn bị, hy vọng có thể tạo ra tuyến đường tốc độ nhanh trong việc xuất khẩu dừa tươi Việt Nam sang Trung Quốc.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần vận tải và thương mại đường sắt thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, các đoàn tàu liên vận Trung - Việt bắt đầu được vận hành từ năm 2017, ban đầu chủ yếu vận chuyển những loại hàng hóa cơ bản, đến nay đã phát triển lên hơn 300 loại hàng hóa. Các loại sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam bao gồm nông sản, sản phẩm điện tử, hàng dệt may v.v. còn các mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là nguyên liệu ngành chế biến và sản xuất cùng với vật liệu xây dựng.
Ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết, đoàn tàu liên vận Trung - Việt là đoàn tàu hoạt động hai chiều, vận chuyển hàng hóa Việt Nam đến hơn 20 tỉnh thành của Trung Quốc, đồng thời cũng kết nối với các chuyến tàu chở hàng Trung Quốc - Châu Âu để đến các nước Trung Á và châu Âu. Hàng hóa Trung Quốc không chỉ được vận chuyển đến Việt Nam, mà còn đi qua Việt Nam để đến các nước ASEAN như Lào, Thái Lan, Campuchia, Malaysia v.v..
Ông Nguyễn Hoàng Anh còn nêu rõ, “với sự tuyên truyền, quảng bá và hỗ trợ dịch vụ từ các cơ quan đường sắt của hai nước Trung Quốc và Việt Nam, ngày càng nhiều doanh nghiệp lựa chọn vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt”. Các chuyến tàu liên vận Trung - Việt có thể rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí cho doanh nghiệp và thúc đẩy hiệu quả giao thương giữa hai nước.
Năm 2017, Cục đường sắt Nam Ninh thuộc Tập đoàn Đường sắt quốc gia Trung Quốc đã lần đầu khai thác thành công chuyến tàu container liên vận quốc tế tuyến Nam Ninh (Trung Quốc) - Hà Nội (Việt Nam). Từ tần suất khai thác chưa đến 5 chuyến mỗi tháng, đến 7 tháng đầu năm nay, số lần vận chuyển trong một tháng đã 3 lần phá kỷ lục, các chuyến tàu liên vận Trung - Việt phát triển nhanh chóng. Dữ liệu cho thấy, tính đến ngày 30/9, số lượng hàng hóa vận chuyển qua các chuyến tàu liên vận Trung - Việt xuất phát từ Quảng Tây, Trung Quốc trong năm nay đã vượt con số 10.000 TEU, cụ thể đạt 10.380 TEU và lập ra kỷ lục mới.
Đằng sau sự phát triển này không thể thiếu những sự nỗ lực của cả hai phía Trung Quốc và Việt Nam. Năm 2023, Cục đường sắt Nam Ninh đã hoàn thành việc tăng tốc cải tạo đoạn đường sắt từ Nam Ninh đến Bằng Tường (đoạn Tương Quế), giúp nâng tốc độ vận hành trên tuyến đường sắt quốc tế Trung - Việt lên 90 km/h.
Ông Bành Vĩ Quân, phó Giám tốc Trung tâm dịch vụ logistics vận tải hàng hóa 95306 thuộc Cục đường sắt Nam Ninh cho biết, “với năng lực vận chuyển, giá cả và thời gian ổn định, tuyến đường này đã gia tăng sức hút trên thị trường, hiện còn có thể vươn tới vùng nội địa miền Tây Nam và Khu vực Vịnh lớn Quảng Đông - Hong Kong - Macau, Trung Quốc. Năm nay Cục đường sắt Nam Ninh còn tổ chức khai thác chuyến tàu nối tiếp từ hai tuyến đường sắt là Quảng Châu - Nam Ninh và Nam Ninh - Việt Nam, mở ra tuyến đường logistics xuyên biên giới mới để hàng hóa từ khu vực Vịnh lớn Quảng Đông – Hong Kong – Macau, Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam.
Tháng 1 năm 2024, các công ty đường sắt của hai nước Trung Quốc và Việt Nam đã thương lượng và thống nhất lịch trình đầy đủ của các chuyến tàu liên vận, giúp rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển. Tổng lượng thời gian vận chuyển từ ga phía Nam - Nam Ninh (Trung Quốc) đến ga Yên Viên (Việt Nam) từ hơn 40 tiếng đồng hồ rút xuống còn nhanh nhất là 14 tiếng đồng hồ, hiệu suất vận tải của đoàn tàu liên vận Trung - Việt được cải thiện rõ rệt.
Ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết, Chính phủ và công ty đường sắt Việt Nam có kế hoạch tiếp tục đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng đường sắt để tăng cường sự kết nối với đường sắt Trung Quốc và nâng cao năng lực vận tải giữa hai nước, bao gồm nâng cấp hệ thống nhà ga hành khách và nhà ga hàng hóa.