

- Xem thêm
Cô gái trẻ và hành trình lan tỏa di sản văn hoá phi vật thể
CCTV đưa tin: Cửu Nguyệt - người sáng tạo nội dung số, tên thật là Lưu Nhã Tinh, biệt danh Giang Tầm Thiên, đến từ Hồ Nam, Trung Quốc được cộng đồng cư dân mạng ưu ái gọi với cái tên “cô gái sở hữu kho tàng nghệ thuật văn hoá truyền thống”, bởi cô có thể biểu diễn được những nghệ thuật văn hoá truyền thống mà ít ai làm được, bao gồm biểu diễn đả thiết hoa (pháo hoa sắt - loại hình biểu diễn pháo hoa dân gian của Trung Quốc), điêu khắc rồng băng, hay nhảy điệu múa Anh Ca Vũ… Từ điệu múa Anh Ca Vũ của những năm gần đây, đến các kỹ năng truyền thống như điêu khắc rồng băng, đả thiết hoa, chế tác đồ bạc dân tộc Mèo, làm diều đầu rồng khổng lồ hay làm tranh đường, cô luôn khiến khán giả cảm thấy bái phục. Không chỉ dừng lại ở đó, cô gái trẻ này còn hóa thân thành tiên nữ phi thiên, hoa đán kinh kịch hay nàng tiên cá trong chính những video của mình.
Trong mắt các thành viên cùng nhóm làm việc, Cửu Nguyệt là người mà “không ai dám kêu mệt trước mặt cô”. Đối với các nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể, cô được nhận xét là một người không sợ khó, không sợ khổ. Khi chia sẻ về lý do bắt đầu sáng tạo nội dung về văn hóa, Cửu Nguyệt bộc bạch: “lúc đầu tôi chỉ đơn thuần là muốn làm chứ không chú ý đến những gì tôi làm có liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể hay không, chỉ là tôi nhận ra những điều từng quen thuộc trong ký ức tuổi thơ giờ đây lớn lên lại không còn nữa.” Tuổi thơ của cô gắn liền với những lần đi xem kinh kịch cùng ông nội, cô từng có một ước mơ giản dị là học được kinh kịch để biểu diễn tặng ông một đoạn. Sau đó, cô quyết tâm đi học và thực hiện ước mơ này.
Nếu lúc đầu mọi thứ chỉ xuất phát từ sở thích cá nhân, thì về sau, Cửu Nguyệt nhận ra mình có trách nhiệm lớn lao hơn đối với văn hoá truyền thống. Cô chia sẻ: “Những nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể giống như những vì sao sáng lấp lánh trên khắp đất nước, họ đang chờ bạn khám phá và giúp mọi người nhận ra giá trị của họ.”
Trong quá trình làm việc với các nghệ nhân, Cửu Nguyệt bị cuốn hút bởi tinh thần làm việc với quan niệm “một đời chỉ chuyên làm một việc” của họ. Cô chia sẻ: “họ dành cả cuộc đời để hoàn thiện duy nhất một việc, tuy chỉ làm một việc nhưng họ kiên trì làm đến cùng”. Điều này khiến cô tự nhìn lại bản thân, cô thường thấy mình quá bồng bột vì muốn học quá nhiều thứ khác nhau. Nhưng nhờ đó, cô cũng tìm được định hướng của bản thân: “tôi không phải là người kế thừa một nghệ thuật văn hoá riêng biệt nào, mà là người lan tỏa những tinh hoa đó.”
Vì mục tiêu ấy, Cửu Nguyệt không ngần ngại vượt núi, băng rừng để tìm thầy học nghề, cô cũng sẵn sàng đi sớm về khuya để bắt kịp những khoảng khắc trong khung giờ xanh quý giá cho cảnh quay. Các thành viên trong nhóm thường nói cô như có năng lượng không bao giờ cạn. Nhưng chính cô lại luôn canh cánh: “có những loại hình nghệ thuật kể cả học đến nửa năm rồi, tôi vẫn chỉ biết được phần bề nổi, tôi luôn thấy mình không có đủ thời gian, sức mình quá bé nhỏ”. Là một người lan toả các di sản văn hóa truyền thống, Cửu Nguyệt luôn lo lắng rằng có những di sản sẽ không kịp quay lại bởi nhiều nghệ nhân đã tuổi cao sức yếu và có thể không có đủ thời gian để truyền lại tay nghề của họ. Như lần cô học cách làm đèn lồng nghìn góc, quá trình học phải tạm dừng vì thầy Trương Thụ Kỳ, một nghệ nhân đã gần 80 tuổi phải làm phẫu thuật. Cửu Nguyệt hy vọng, qua những video của cô và các thành viên khác trong nhóm cùng làm ra, có thể đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với mọi người, giúp những tinh hoa văn hóa truyền thống được yêu mến và lan tỏa rộng rãi. Cô tin rằng nếu một loại hình nghệ thuật được yêu thích và lan tỏa, cuộc sống của các nghệ nhân sẽ được cải thiện, và giá trị văn hoá cũng sẽ được bảo tồn lâu dài.
Dù những video của Cửu Nguyệt thể hiện cho dân mạng thấy cô là một người làm được mọi thứ, nhưng đằng sau đó là vô số lần thất bại trong quá trình học nghề. Cô tự nhận mình là một người “thường xuyên thất bại”, nhưng cô không muốn chia sẻ quá nhiều về những khó khăn với người xem. Cô cho biết: “tôi không muốn những khó khăn của bản thân làm người xem chùn bước. Tôi mong muốn người xem cảm thấy yêu thích và sẵn sàng bắt tay vào làm, vì việc kế thừa những di sản văn hoá phi vật thể không phải là việc làm của riêng một ai, mà là nỗ lực của cả một tập thể.”