

- Xem thêm
Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm các nước Đông Nam Á: Thắt chặt quan hệ ngoại giao láng giềng, mở ra chương mới trong hợp tác khu vực
Từ ngày 14 đến ngày 18/4/2025, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, Malaysia và Campuchia. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc trong năm 2025, đồng thời cũng là chuyến thăm đầu tiên đến các nước lân cận sau Hội nghị công tác Trung ương về quan hệ với các nước láng giềng.
Một quan niệm: Thể hiện rõ ràng tư tưởng ngoại giao “thân, thành, huệ, dung”
“Láng giếng tốt còn quý hơn vàng”, “Bà con xa không bằng láng giềng gần”. Sau khi nhậm chức, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm đã chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên trong chuyến thăm chính thức. Thủ tướng Malaysia Dato' Seri Anwar bin Ibrahim đã 3 lần đến thăm Trung Quốc chỉ trong vòng hơn 2 năm. Thủ tướng Campuchia Hun Manet cũng chọn Trung Quốc là quốc gia đầu tiên ông thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước.
Tháng 10 năm 2013, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất tư tưởng ngoại giao láng giềng “thân, thành, huệ, dung”. Đến nay, Trung Quốc đã đạt được nhận thức chung về việc xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai với 17 quốc gia láng giềng, đồng thời trở thành đối tác thương mại lớn nhất của 18 nước trong khu vực. Hội nghị công tác Trung ương về quan hệ với các nước láng giềng cũng nhấn mạnh phương châm hành động “xây dựng quan hệ láng giềng hữu nghị, an toàn và thịnh vượng”, “thân, thành, huệ, dung” và “cùng chung vận mệnh”.
Một kỳ vọng: Thành quả phát triển của Trung Quốc sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho các nước láng giềng
Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều lần nhấn mạnh: “Trung Quốc luôn chào đón các nước láng giềng tham gia vào tiến trình phát triển nhanh, hiệu quả và cùng có lợi”. Tuyến đường sắt Trung - Lào đã giúp Lào “từ một quốc gia không giáp biển thành một quốc gia liên kết đất liền”, tuyến đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung góp phần thúc đẩy kinh tế Indonesia phát triển mạnh mẽ, mô hình “Hai quốc gia, hai khu công nghiệp” giữa Trung Quốc và Malaysia đã mở ra hướng đi mới trong hợp tác công nghiệp.
Sáng kiến “Hai hành lang, một vành đai” của Việt Nam, tuyến đường sắt Bờ đông của Malaysia, khuôn khổ hợp tác “Lục giác kim cương” của Campuchia đã tạo hiệu ứng cộng hưởng cùng sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, mang lại tác động tích cực vượt kỳ vọng “1+1>2”.
Trung Quốc và Việt Nam xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược, Trung Quốc và Malaysia cũng cùng xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai. Trong khi đó, cộng đồng chia sẻ tương lai giữa Trung Quốc và Campuchia đã bước vào thời đại mới - chất lượng cao, trình độ cao và tiêu chuẩn cao. Phiên bản 3.0 của Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN (ACFTA) dự kiến sẽ được ký kết trong năm nay.
Một hành động: Cùng xây dựng chủ nghĩa khu vực mở
Trung Quốc là quốc gia đầu tiên gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), là nước tiên phong đàm phán khu vực thương mại tự do với ASEAN, đồng thời cũng là đối tác chiến lược đầu tiên của ASEAN. Tại Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 30 năm quan hệ Đối thoại Trung Quốc - ASEAN (2021), Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất “tôn trọng sự khác biệt, học hỏi lẫn nhau, cùng xây dựng chủ nghĩa khu vực mở”.
Trung Quốc và ASEAN có dân số chiếm khoảng ¼ dân số toàn cầu, tổng quy mô kinh tế lần lượt xếp thứ 2 và thứ 5 thế giới. Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết: “Xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai giữa Trung Quốc và ASEAN ngày càng gắn kết chính là xu thế phù hợp với yêu cầu của thời đại: giữ gìn hòa bình, thúc đẩy phát triển, tăng cường hợp tác và cùng hưởng lợi ích.”