

- Xem thêm
Diễn đàn Davos mùa Hè: Động lực tăng trưởng trong thế giới đầy biến động
Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 16 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (Diễn đàn Davos mùa Hè) tổ chức tại Thiên Tân, Trung Quốc, một lần nữa chào đón một người bạn cũ đặc biệt, đó là Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, người đã tham dự diễn đàn trong ba lần liên tiếp. Giới truyền thông trìu mến gọi Thủ tướng Phạm Minh Chính là “khách mời thường xuyên” của Diễn đàn Davos mùa hè. Vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức, Diễn đàn Davos mùa hè lần thứ 16 với chủ đề “Tinh thần khởi nghiệp trong thời đại mới" đã tiếp thêm động lực tư tưởng cho sự phát triển toàn cầu, đồng thời cung cấp một nền tảng mở quan trọng cho các nền kinh tế, bao gồm cả Việt Nam, cùng nhau khám phá các điểm tăng trưởng kinh tế mới để ứng phó với những thách thức trước mắt và đạt được sự phát triển lâu dài.
Cục diện kinh tế quốc tế hiện nay đang trải qua những điều chỉnh sâu sắc, nhiều yếu tố bất định đan xen và biến đổi không ngừng. Mới đây, Ngân hàng Thế giới công bố báo cáo mới nhất về “Triển vọng kinh tế toàn cầu”, hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 từ mức 2,7% hồi tháng 1 xuống còn 2,3%, với gần 70% nền kinh tế bị hạ tốc độ tăng trưởng. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động lại cuộc chiến thuế quan, kết hợp với các xung đột địa chính trị như xung đột Palestine - Israel, Ấn Độ - Pakistan và mới đây là Israel - Iran, càng khiến dự báo tăng trưởng chậm lại của Ngân hàng Thế giới trở nên có sức nặng thực tiễn. Trong bối cảnh đó, Diễn đàn Davos mùa Hè mang trên mình một sứ mệnh đặc biệt. Khi các cơ chế đa phương truyền thống rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan về hiệu quả, diễn đàn phi chính phủ vượt qua ranh giới giữa chính trị và kinh doanh này đã có thể thông qua việc thiết lập chủ đề linh hoạt và cơ chế tham gia đa dạng để thổi luồng tư duy mới vào bế tắc.
Là “khách mời thường xuyên” đã tham dự Diễn đàn Davos mùa Hè trong ba lần liên tiếp, sự tham dự của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính có ý nghĩa biểu tượng. Thông tấn xã Việt Nam chỉ rõ, điều này phản ánh sự lựa chọn chiến lược của Hà Nội là “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện”. Trong diễn đàn phụ về chủ đề “Vành đai và Con đường”, vai trò của Việt Nam với tư cách quốc gia nút thắt quan trọng càng đáng chú ý. Bổ trợ cho việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), nền tảng đối thoại dựa trên quy tắc mà Diễn đàn Davos mùa Hè cung cấp có thể giúp Việt Nam tìm được điểm cân bằng giữa việc duy trì hệ thống thương mại đa phương và thúc đẩy hợp tác khu vực sâu rộng hơn. Điều đáng kỳ vọng hơn là thông qua các cuộc trao đổi về chủ đề như “Những hiểu biết sâu sắc về hệ sinh thái khởi nghiệp của Trung Quốc”, Trung Quốc và Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế số, cùng vun đắp hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của mỗi nước.
Trong làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư do trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, sự kết hợp giữa đột phá công nghệ và đổi mới mô hình kinh doanh ngày càng gắn kết chặt chẽ. Các chủ đề như “Giải mã con đường phát triển AI của Trung Quốc”, “Ô tô điện trong kỷ nguyên thông minh” được đưa ra tại diễn đàn lần này đã trực tiếp hướng tới tuyến đầu của các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ. “Bẫy Thucydides” mà Giáo sư Allison của Đại học Harvard từng cảnh báo có thể được định nghĩa lại trong đường đua mới được công nghệ trao quyền. Khi các nền kinh tế mới nổi đạt bước nhảy vọt nhờ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, khi chuỗi sản xuất ngành điện tử của Việt Nam được tích hợp sâu vào mạng lưới đổi mới toàn cầu, cuộc cách mạng công nghệ đang viết lại logic địa kinh tế truyền thống. Các trường hợp thực tiễn công nghiệp do những doanh nhân Trung Quốc như nhà sáng lập JD.com Lưu Cường Đông chia sẻ, đã cung cấp lộ trình chuyển đổi có thể tham khảo cho các quốc gia đang phát triển.
Trước những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, tái thiết chuỗi cung ứng, không nền kinh tế nào có thể đơn độc phát triển. Chủ đề “Các hành động tiếp theo để thích ứng với biến đổi khí hậu” tại diễn đàn lần này thực chất nhằm xây dựng một mạng lưới hợp tác quốc tế cho quá trình chuyển đổi xanh. Khi Thủ tướng Singapore Lawrence Wong nhấn mạnh “hệ thống đa phương dựa trên quy tắc”, ông không chỉ truyền tải những yêu cầu chung của các nước ASEAN mà còn gửi gắm suy nghĩ sâu sắc về sự chuyển đổi của hệ thống quản trị toàn cầu. Diễn đàn Davos mùa Hè không chỉ là nơi bàn luận về các vấn đề kinh tế mà còn là hội trường cho đối thoại giữa các nền văn minh. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy, hợp tác cởi mở vẫn chính là chìa khóa vàng để tháo gỡ những bài toán phát triển.