

- Xem thêm
Việt Nam chính thức bãi bỏ quy định “mỗi gia đình chỉ được sinh tối đa hai con” trong bối cảnh đối mặt với thách thức kép: tỷ lệ sinh thấp và tốc độ già hóa dân số tăng nhanh
Theo CCTV, ngày 3 tháng 6, Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua Pháp lệnh Dân số mới, trong đó bãi bỏ quy định đã được duy trì trong nhiều năm qua - “mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh một hoặc hai con”. Việt Nam hiện đang trong thời kỳ dân số vàng, sau khi nước này chính thức công bố vượt mức 100 triệu dân vào năm ngoái. Tuy nhiên, quốc gia này đang phải đối mặt với tình trạng tỷ lệ sinh liên tục sụt giảm và được dự báo dân số sẽ bắt đầu suy giảm sau năm 2054.
Tháng 1 năm 2024, Tổng cục Thống kê Việt Nam chính thức công bố dân số Việt Nam vượt mốc 100 triệu, trở thành quốc gia Đông Nam Á thứ ba (sau Indonesia và Philippines) và nước thứ 15 trên thế giới đạt quy mô dân số nói trên. Giới chức Việt Nam xem đây là “mốc son đáng tự hào” và cho rằng điều này sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu cũng như nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, khi Việt Nam thu hút sự chú ý vì “lợi thế dân số vàng”, nước này cũng đang bắt đầu phải đối mặt với các vấn đề như già hóa dân số nhanh và tỷ lệ sinh giảm.
Theo Tân Hoa xã trích dẫn số liệu từ Cục Dân số thuộc Bộ Y tế Việt Nam cho thấy, mức sinh toàn quốc (chỉ số trẻ em do phụ nữ sinh ra) trong năm 2024 của Việt Nam chỉ đạt 1,91 - mức thấp nhất trong lịch sử. Dự báo cho thấy mức sinh của Việt Nam sẽ còn tiếp tục giảm trong những năm tới. Theo dự báo, đến năm 2039, Việt Nam kết thúc giai đoạn dân số vàng. Đến năm 2042, dân số trong độ tuổi lao động đạt đỉnh, và từ sau năm 2054, dân số có thể tăng trưởng âm.
Theo hãng thông tấn AFP (Agence France-Presse), xu hướng sinh con giảm xuống rõ rệt hơn tại các khu vực kinh tế phát triển và đô thị hóa cao, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ khiến nhiều người dân ngần ngại trong việc sinh con. Vấn đề già hóa dân số cũng ngày càng trở nên rõ rệt. Cuối năm 2024, TP. Hồ Chí Minh có hơn 1,1 triệu cư dân từ 60 tuổi trở lên, chiếm gần 12% tổng dân số thành phố. Trong những năm tới, thành phố có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng, hệ thống an sinh xã hội cũng sẽ chịu áp lực ngày càng lớn.
Ngày 3 tháng 6, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trích dẫn tài liệu Chính phủ Việt Nam cho biết, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển dân số. Trên cơ sở đó, việc định hướng chính sách dân số cần chuyển trọng tâm từ kế hoạch hóa gia đình sang mô hình “dân số và phát triển”. Việc sửa đổi quy định lần này nhằm giải quyết tình trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng, miền và các nhóm đối tượng, đồng thời ngăn ngừa nguy cơ mức sinh giảm xuống dưới mức sinh thay thế.